Động hình hóa là gì

Người ta bảo: “Sông sâu còn có kẻ dò/ Lòng người ai dễ mà đo cho tường”, nghĩa là khẳng định “Lòng người” là cái thực sự khó nắm bắt, khó kiểm soát, khó khám phá.

Nhưng tâm lý học đã chỉ ra 6 quy luật của tình cảm, nếu biết vận dụng một cách triệt để, thấu đáo, bạn cũng có thể “dò cho rõ ngọn nguồn nông sâu” đấy. Đó là:

1. Quy luật ‘lây lan’
2.Quy luật ‘thích ứng’
3  Quy luật ‘tương phản’ hay ‘cảm ứng’
4. Quy luật ‘di chuyển’
5. Quy luật ‘pha trộn’
6. Quy luật về sự hình thành tình cảm

QUY LUẬT LÂY LAN

Nội dung: Xúc cảm, tình cảm của người này có thể truyền, lây sang người khác.

Ứng dụng: Trong cuộc sống hàng ngày ta thường thấy các hiện tượng vui lây buồn lây, cảm thông chia sẻ…

Ví dụ:

- Con nhớ anh nhiều đêm không ngủ

Nó khóc làm em cũng khóc theo

-  Ai buồn tôi cũng buồn dùm

Ai vui tôi cũng vui dùm cho ai

- Ai buồn ai khóc thiết tha,

Tôi vui tôi cũng chan hòa giọt châu

Ứng dụng trong dạy học:

- Xây dựng tập thể hòa đồng, đoàn kết, thân ái,’ niềm vui nhân đôi, nỗi buồn xẻ nửa’.

- Xây dựng tấm gương điển hình để học sinh học tập và noi theo.

- Giáo viên luôn giữ phong thái vui vẻ tạo bầu không khí thoải mái, học tập tốt.

- Giáo viên phải có sự khen thưởng, trách phạt để các em phấn đấu noi theo.

- Tránh tin đồn thất thiệt, tránh gây hoảng loạn cho nhiều người, khi nhận tin phải xác minh sự chính xác rồi thông báo.

- Hạn chế lây lan cái xấu, phát triển lây lan những cái tốt.

Ứng dụng trong xây dựng mối quan hệ người – người.

- Lắng nghe để thấu hiểu, để đồng cảm, đặt mình vào tâm trạng của người đó để cùng vui, cùng buồn với “người ta”, bạn sẽ mau chóng trở thành người “tri kỷ”, “tâm giao”. Từ quý mến đến yêu thương là một khoảng không xa lắm.

QUY LUẬT THÍCH ỨNG

Nội dung: Một xúc cảm, tình cảm được lặp đi lặp lại nhiều lần một cách không thay đổi thì cuối cùng sẽ bị suy yếu, bị lắng xuống. Đó là hiện tượng “ chai dạn” của tình cảm.

Ví dụ:

Vừa xuống nước thấy lạnh, một lúc sau quen dần thấy “bình thường”

Vừa vào phòng tối, chẳng nhìn thấy gì, một lát sau quen mắt, hình ảnh lờ mờ hiện lên rồi sáng dần.

Gần thường, xa thương.

Gần nhau cảm thấy bình thường/ Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào.

Gần chùa gọi bụt bằng anh.

Hồi mới yêu tưởng rằng không bao giờ có thể chia lìa, vậy mà chỉ một thời gian sau tình cảm đã nhạt nhẽo, tàn phai.

Vừa biết tin người yêu đi lấy chồng [con trượt đại học, con hy sinh ở ngoài mặt trận, mất của, bị kỷ luật…], người ta đau khổ tưởng có thể “chết đi được”. Vậy mà chỉ dăm bữa nửa tháng, nỗi buồn đã nguôi ngoai.

Ứng dụng trong dạy học:

- Liên tục thay đổi phương pháp, hình thức tổ chức lớp học và các hoạt động, thay đổi “phong cách lên lớp” để thu hút học sinh, tránh nhàm chán cho chính mình và các em học sinh.

- Luôn luôn năng động, sáng tạo, làm mới mình, học hỏi để mình ngày hôm qua không phải là mình của ngày hôm kia.

Ứng dụng trong xây dựng quan hệ người – người:

- Đừng nhàm chán tới mức mình “chưa mở mồm”, người ta đã biết mình sẽ nói gì vì lặp đi lặp lại có mỗi chuyện đó.

- Đổi mới bản thân liên tục để người ta nhận ra “mỗi ngày anh đẹp/ em đẹp dần trong mắt em/anh”.

- Tạo ra dấu ấn riêng: từ việc tỏ tình, tặng qùa, đi chơi, uống nước, trang phục, ăn nói cho đến “chuyện ấy”. Sự nhàm chán giết chết tình yêu.

- Đời thay đổi khi ta thay đổi. “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, chỉ kiên định lập trường, kiên định giá trị  sống, còn cách thể hiện phải đa dạng, linh hoạt.

QUY LUẬT TƯƠNG PHẢN

Nội dung:

- Tương phản là sự tác động qua lại giữa những xúc cảm, tình cảm âm tính và dương tính, tích cực và tiêu cực thuộc cùng một loại. Cụ thể là một xúc cảm tình cảm này có thể làm tăng cường hoặc giảm bớt một xúc cảm, tình cảm khác đối cực với nó xảy ra đồng thời hay nối tiếp.

Ví dụ:

- Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay; Ôn cố tri tân; Ôn nghèo nhớ khổ; Trong bộ phim ta đang theo dõi,càng thương nhân vật chính diện bao nhiêu thì càng ghét nhân vật phản diện bấy nhiêu.

- Cả thèm, chóng chán / Yêu nhau lắm, cắn nhau đau/ Càng quen càng lèn cho đau/ Thấy đỏ tưởng là chín.

- Hai ca sĩ cùng hát hay như nhau, nhưng ca sĩ có ngoại hình đẹp được đánh giá cao hơn [đẹp làm cho … tốt hơn], thế mới có câu “tốt đẹp”.

- Bụng đói thì làm cho ta cảm thấy rét hơn [đói -> rét]. Nhà sạch tạo cho ta cảm giác mát hơn [sạch -> mát]; giàu có khiến ta cảm giác người đó sang trọng hơn [giàu -> sang]; cô gái ở một môi trường có nhiều nam, sẽ được quý trọng hơn vì hiếm [hiếm -> quý ]; khó khăn mới đạt được điều gì đó thì người ta trân trọng và quý mến nó hơn [khó -> quý], vì vậy đừng có dễ dãi quá mà hóa coi thường.

Ứng dụng trong dạy học:

- Giáo viên cần xây dựng thang điểm chuẩn để chấm bài, tránh cảm tính [yêu nên tốt, ghét nên xấu/ ác cảm thì cho điểm chặt chẽ, còn quý thì “nới tay” hơn.

- Có cái nhìn khách quan, lý tính, công bằng hơn trong nhìn nhận, đánh giá, nhận xét cấp trên, đồng nghiệp và học sinh.

- Vận dụng quy luật tương phản để nêu gương, trách phạt học sinh.

Ứng dụng trong việc xây dựng mối quan hệ người – người:

- Đừng vội đánh giá con người sau một hai lần gặp mặt, tránh trường hợp trông “cái mặt dễ thương” là cho rằng “cô ấy tốt, ngoan, dịu dàng”. Đừng vì thấy anh chàng ăn nói “ngon lành” mà vội vồ vập. Cảm xúc dễ bị đánh lừa.

- Hãy đến gần hơn [cả về không gian lẫn tâm lý] để nhìn con người tỏ tường hơn, tránh trường hợp “trông xa thì tưởng Thúy Kiều/ lại gần lại hóa người yêu Chí Phèo”.

- Cần tham khảo ý kiến người khác khi muốn đánh giá về một người nào đó, tránh trường hợp mình chủ quan kiểu “Mũi thì ba sáu gánh lông, chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho; đêm nằm thì ngáy o o, chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà”.

Đinh Thủy

Chủ Đề