Đoàn tàu không số có tên gọi khác là gì

Tàu Không số - Những câu chuyện huyền thoại

[ĐCSVN] Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày chiếc Tàu Không số đầu tiên rời bến, vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam, nhưng những câu chuyệnhuyền thoạivề lòng dũng cảm, mưu trí, vềý chí cách mạng của những người lính hải quân trên con đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn có sức thu hút mãnh liệt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để trực tiếp chi viện vũ khí, hàng hóa và nhân lực cho cách mạng miền Nam, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển [1961-1975], Đoàn 125 đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Những con tàu ấy đã vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch.15 nămấy, nhữngchuyến tàu lặng lẽ vượt sóng gió, vượt hiểm nguy và tai mắt kẻ thù, chở nặng vũ khí, hàng hóa cùng nghĩa tình miền Bắc đến với chiến trường miền Nam.

Đấu trí với địch để bảo vệ tàu

Khác với các chiến sĩ không quân, lục quân tìm địch mà đánh, nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên Tàu Không số ngày ấy là tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa. Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức Lễ truy điệu sống trước khi khởi hành phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật. Tàu Không số cũng chọn những lúc thời tiết xấu nhất để khởi hành, càng là giông tố, bão bùng, càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật. Bởi vậy, mỗi lần Tàu Không số xuất phát là mỗi lần thử thách ý chí và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Một con tàu không số[Ảnh tư liệu]


Trong những tình huống khó khăn, vừa phải vượt sóng to, gió lớn, vừa phải đấu trí với địch để bảo vệ tàu, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, giữ vững quyết tâm chiến đấu, mưu trí, linh hoạt, kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi nguy hiểm, thực hiện đúng ý định, chủ trương, phương châm chỉ đạo của cấp trên.

Ông Nguyễn Xuân Thơm, sinh ra và lớn lên ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là một điển hình cho tinh thần chiến sĩ Tàu Không số ngày ấy. Căm thù giặc Mỹ, ông đi theo cách mạng, vào vùng giải phóng, gia nhập đội dân quân du kích Ấp 7 tại quê hương, sau đó được chuyển về trung đội du kích xã làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ căn cứ cách mạng, tính mạng và tài sản của nhân dân. Từ một du kích, ông bắt đầu tham gia Đoàn 962 từ tháng 6 năm 1962, từng bước trưởng thành thành một thuyền trưởng Tàu Không số dày dạn kinh nghiệm. Tuổi trẻ của ông gắn với những chuyến đi trên biển Đông, với hàng chục chuyến tàu chở vũ khí vào miền Nam đánh Mỹ. Ông đã tham gia 16 chuyến vượt biển, 12 chuyến thành công và 4 chuyến không thành công, mỗi chuyến đi lại là một câu chuyện, một kỷ niệm khó quên.

Với ông, những chuyến đi thành công đương nhiên để lại nhiều ấn tượng, nhưng những chuyến đi không thành công cũng để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc và từ đó còn là những bài học cho cuộc đời chiến đấu sau này. Kỷ niệm đặc biệt của ông là chuyến đi năm 1972 [từ 1970 đến 1972 là những năm tháng khó khăn của các chuyến Tàu Không số]. Khi ấy, ông làm thuyền trưởng Tàu 653, đi vào bến Vàm Lũng, Cà Mau.

Ông Nguyễn Xuân Thơm luôn tự hào khi nhớ lại những ngày tháng
trên "Tàu không số" - Ảnh: Hồng Ngọc


Ông Thơm kể lại: Theo kế hoạch, ngày 12/2/1972, Tàu 653 xuất phát nhằm thẳng hướng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp tục hành trình theo kế hoạch, Tàu 653 hướng về phía Nam Côn Đảo. Nhưng đến ngày 18/2/1972, nhận được một bức điện từ Sở chỉ huy Đoàn 125 cho biết: Tàu HQ 05 của Hải quân Sài Gòn đang tuần tra tuyến Hòn Khoai - Côn Sơn, đề nghị cho tàu ngụy trang và kiên trì đi theo hướng quay ra miền Bắc. Sau khi nhận lệnh, các chiến sĩtăng cường ngụy trang tàu và triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu. Tất cả các loại súng DKZ, B41, AK, 12,7 ly đều được lắp đạn và bố trí sẵn. Nhưng khi cho tàu quay ra, tàu địch vẫn bám sát, cố tiếp cận với mục đích bắt tàu ta phải đầu hàng. Chúng dùng mọi cách:O ép, kêu gọi đầu hàng, dùng vũ lực nhưng không dám tấn công vì chúng biết tàu của ta là tàu nguy hiểm, nếu tấn công tàu sẽ nổ. Thấy tàu ta không động tĩnh gì mà cứ thẳng tiến ra Bắc, tàu HQ 05 thay đổi hướng đi bằng cách chặn đầu ép tàu ta đi theo chúng nhưng trong liên tục 5 ngày, các thủy thủthay nhau lái, canh địch và tiếp tục đi theo kế hoạch: thẳng hướng ra Bắc. Khi ra tới vĩ tuyến 17, biết không thể thắng được ý chí chiến đấu của ta, địch mới cho tàu quay lại. Đến trưa ngày 25/2/1972, tàu của ta về cập cảng an toàn, kết thúc chuyến đi đầy cam go, thử thách. Đó là một chuyến đi để lạirất nhiều kinh nghiệm, dù bị địch phát hiện và áp sát trong nhiều ngày, nhưng nhờ ý chí, sự quyết tâm, tàu của ta vẫn cập bến an toàn.

Là một người con của vùng Giao Long, Giao Thủy [Nam Định], Trần Kim Trung nhập ngũ năm 1964, vào Hải quân và tham gia đi trên những chuyến tàu không số. Bây giờ, khi đã hơn 70 tuổi, ông còn nhớ y nguyên mỗi lần chuẩn bị cho một chuyến đi là mỗi lần chuẩn bị tinh thần có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Với ông, chuyến đi ấn tượng nhất lại là một chuyến đi tàu bị phá hủy, nhưng rất may là sau khi ta đã bốc dỡ hàng thành công. Ông nhớ lại: Vào đầu năm 1965, khi chuẩn bị ăn Tết thì được lệnh khẩn cấp, vận chuyển 1 chuyến hàng đặc biệt gồm hàng hóa và vũ khí vào Nam. Khi ấy, cán bộ chủ chốt trên Tàu 143 có thuyền trưởng Lê Văn Thiêm, thuyền phó hỏa lực Hồ Sành, thuyền phó hàng hải Hoàng Xuân Thu và chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy, cùng 16 cán bộ, chiến sĩ rời cảng K20, chở 63 tấn vũ khí vào Vũng Rô [Phú Yên]. Tàu đóng giả một tàu khai thác hải sản trên vùng biển quốc tế. Trên hành trình, ban ngày, cứ vài tiếng lại có một chiếc máy bay của Mỹ bám theo, ban đêm lại có hai tàu chiến địch đi kèm, chiếc phía trước, chiếc phía sau. Nhưng với ý chí sắt thép, Tàu 143 vẫn cứ đi. Tới 23h ngày 15/2/1965, tàu vào bến Vũng Rô để bốc dỡ hàng. Sau khi bốc dỡ, tàu nhổ neo ra biển thì neo bị hỏng. Sửa xong thì trời đã sáng bạch nên không thể quay tàu ra biển được mà phải ở lại, đợi đến tối sẽ rời bến. Bất ngờ, đến 12h trưa có một máy bay trinh sát của địch bay tới Vũng Rô, ném xuống chỗ tàu của ta đang trú ẩn một quả pháo mù chỉ điểm mục tiêu. Một tốp máy bay khu trục A-1 Skyraiders lao đến bắn một loạt tên lửa làm lá ngụy trang trên tàu bốc cháy. Tàu 143 đã bị lộ và bị phá hủy.

Suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải quân sự trên biển, có những chuyến đi thành công, cũng có những chuyến đi không thành công, có nhiều con tàu bị phá hủy, nhưng chúng ta đã cho địch thấy ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của ta.

Thắm tình đồng đội, tình quân dân

Mỗi chuyến tàu không số ra khơi, các thủy thủ đoàn không chỉ đối phó với địch mà phải đối mặt với cả những cuộc chiến với sóng to, gió lớn, những lúc bệnh tật. Ông Trần Kim Trung vẫn nhớ: Thường mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 20 ngày, chúng tôi phải thay nhau lái tàu, thay nhau nấu cơm, nhiều khi không có nước để tắm. Cũng có nhiều anh em không chịu được sóng nên cứ ăn vào lại nôn ra, mặt mày tái nhợt Nhưng chính những ngày tháng khó khăn, vất vả ấy lại là lúc có thể cảm nhận rõ nhất tình cảm chân thành, thắm thiết giữa những người chiến sĩ. Những khi ấy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả nhưng chỉ cần nghĩ về quê hương miền Bắc còn đói khổ, miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh và giữ vững niềm tin rằng, mỗi chuyến hàng thành công sẽ góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc là chúng tôi lại có động lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Ông Trần Kim Trung nhớ lại những ngày tháng gian khổ màhào hùng trên mỗi chuyến đi - Ảnh: Hồng Ngọc

Trong những chuyến đi đầy gian khổ, không chỉ có tình đồng đội, đồng chí với nhau mà còn có cả tình cảm quân dân. Những chuyến đi bị địch phát hiện, tàu bị phá hủy, khi ấy, chính nhờ sự đùm bọc của người dân địa phương và của các bác sĩ mà các chiến sĩ Tàu Không số lại có thể trở lại miền Bắc tiếp tục làm nhiệm vụ.

Năm 1968, ông Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền phó Tàu 143, tết Mậu Thân 1968 đi vào Quảng Ngãi nhưng chuyến đi bị lộ, phải tự phá hủy tàu và các thủy thủ bơi vào bờ. Chuyến tàu khi ấy có 17 đồng chí thì có 3 đồng chí hy sinh, những người còn lại đều bị thương. Đó là những ngày tháng đáng ghi nhớ với ông khi được người dân, các bác sĩ, y tá tận tình chăm sóc, chữa khỏi vết thương. Ông nhớ lại: Chúng tôi được đưa lên điều trị tại trạm xá Đặng Thùy Trâm. Khi ấy, Đặng Thùy Trâm là một cô gái Hà Nội, chúng tôi là các chiến sĩ chuẩn bị lên đường ra miền Bắc. Cô muốn gửi gắm tình cảm của mình là những cuốn nhật ký, một vài cuốn sổ ra cho mẹ ở miền Bắc. Hình ảnh người bác sĩ trẻ tuổi từ thủ đô Hà Nội lặn lội vào miền Nam sát cánh cùng nhân dân trong cuộc kháng chiến đã khiến các thủy thủ vô cùng cảm động. Hình ảnh ấy đã giúp chúng tôi có thêm động lực khắc phục khó khăn, khổ ải để 23 ngày sau, khi bình phục lại tiếp tục vượt Trường Sơn, trở ra miền Bắc, nhận lại tàu và tiếp tục con đường chiến đấu.

Chiến tranh lùi xa đã 36 năm, đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng các thế hệ người Việt Namsẽ không bao giờ quên, trong thắng lợi vĩ đại đó của dân tộc, có phần đóng góp công sức, xương máu của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đoàn Tàu Không số - những người dù biết trước có thể sẽ hi sinh, nhưng vẫn giữ vững lòng tin, không hề sợ hãi, không hề do dự, ngồi trên hàng tấn thuốc nổ để làm nhiệm vụ. Những cán bộ, chiến sĩ trên Tàu Không số ngày ấy đã phát huy cao độ tinh thần của lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh và là tấm gương sáng, là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha anh, góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Video liên quan

Chủ Đề