Đánh giá chương trình dạy nghề 1956 năm 2024

Theo báo cáo tại Hội nghị, nhận thức rõ đây là một Đề án có quy mô lớn cả về phạm vi đối tượng điều chỉnh, kinh phí và thời gian thực hiện, tác động phần lớn lao động nông thôn trong độ tuổi lao động và cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền, công chức chuyên môn xã và nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức xã, ngay từ tháng 01/2010, Bộ Nội vụ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg để chỉ đạo, điều hành các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg; kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nguồn; phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định 1956/QĐ-TTg tại các địa phương trong năm 2010 và năm 2011. Đồng thời, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về bổ sung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã năm 2010; hướng dẫn các địa phương lập báo cáo thống kê hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức xã và tổng kết, đánh giá kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2004 – 2010.

Năm 2012, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với 12 đơn vị và cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc 10 Bộ tổ chức biên soạn và đã ban hành 26 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các chức danh cán bộ, công chức xã giai đoạn đến năm 2015, trong đó: 13 bộ cho các xã vùng đồng bằng; 13 bộ cho các xã miền núi, trung du, vùng dân tộc. Sau đó, các bộ, ngành Trung ương đã tổ chức 49 lớp bồi dưỡng thí điểm theo chương trình, tài liệu mới biên soạn cho 4.606 cán bộ, công chức xã thuộc các địa phương trên cả nước.

Theo báo cáo của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2010 – 2015, tổng số cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng là 403.183 lượt người, đạt 80,6% so với mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh Hội nghị

Năm 2016, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu và nội dung hoạt động trong giai đoạn 2016-2020 cần phải bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ liên quan và các cơ sở đào tạo trực thuộc tổ chức biên soạn, chỉnh sửa 04 bộ chương trình, tài liệu của giai đoạn 2010-2015 có cập nhật, bổ sung những nội dung mới phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của địa phương; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các chức danh công chức cấp xã. Nội dung đảm bảo không trùng lặp, có kết cấu phù hợp giữa lý thuyết và thực tiễn.

Năm 2017-2018: Bộ Nội vụ phối hợp với các đơn vị biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ, công chức xã. Đến nay, Bộ Nội vụ đã tổ chức tập huấn cho khoảng 1.200 lượt giảng viên, báo cáo viên và chuyển giao 28 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu; 03 cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ, công chức xã.

Giai đoạn 2016-2020: Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ và các địa phương khó khăn tổ chức bồi dưỡng cho 10.300 lượt cán bộ, công chức xã theo các bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu đã ban hành; tổ chức 06 hội thảo, hội nghị về nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 1600/QĐ-TTg tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của các địa phương, tổng số cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng chuyên sâu trong giai đoạn 2016-2020 là 146.691 lượt người, đạt 30% so với mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức xã; từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức sau khi được bồi dưỡng có nhận thức chính trị vững vàng hơn và hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt.

Hầu hết số cán bộ, công chức cấp xã sau bồi dưỡng chuyên sâu đều có chuyển biến về năng lực, chất lượng tham mưu, phương pháp thực hiện nhiệm vụ ngày càng được nâng lên rõ rệt. Kết quả bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức xã, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Trong giai đoạn 2021-2025, các cơ sở đào tạo của các bộ, ngành Trung ương dự kiến mở 2.000 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho 100.000 lượt cán bộ, công chức xã theo các chức danh theo 28 bộ tài liệu đã ban hành và ban hành mới [nếu có], ở cả 03 miền Bắc, Trung, Nam. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ bồi dưỡng cho khoảng 400.000 lượt cán bộ, công chức xã.

Đồng thời, Bộ Nội vụ sẽ triển khai diện rộng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin theo phương thức trực tuyến [e-Learning] cho cán bộ, công chức xã tại các địa phương với mục tiêu mở rộng triển khai dạy và học theo phương pháp mới, áp dụng đào tạo trực tuyến để tăng số lượng học viên, giảm thiểu chi phí, thời gian đào tạo, dự kiến mở 63 lớp ở cả 63/63 tỉnh thành, mỗi lớp 100 học viên trở lên [hình thức trực tuyến nên không giới hạn số lượng]. Tổng số lượt cán bộ, công chức xã dự kiến được bồi dưỡng trong 5 năm là trên 5.000 lượt...

Chủ Đề