Có những cách nào để chuyển nhượng vận đơn

[VLR] Vận đơn đích danh [Straight B/L] là vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng. Chỉ người có tên ghi trên vận đơn mới nhận được hàng. Vận đơn đích danh không [lưu thông] chuyển nhượng được. Người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp.Ví dụ, phần người nhận hàng trong vận đơn ghi: Consignee: ABC Company thì chỉ công ty này mới nhận được hàng. Loại vận đơn này không thể chuyển nhượng được bằng ký hậu.

Vận đơn đích danh [Straight B/L] là vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng. Chỉ người có tên ghi trên vận đơn mới nhận được hàng. Vận đơn đích danh không [lưu thông] chuyển nhượng được. Người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp.Ví dụ, phần người nhận hàng trong vận đơn ghi: Consignee: ABC Company thì chỉ công ty này mới nhận được hàng. Loại vận đơn này không thể chuyển nhượng được bằng ký hậu.

Nhiều công ty xuất khẩu hàng hóa của VN dùng loại vận đơn này theo đề nghị của người nhập khẩu và cũng chính vì vậy, đã xảy ra một số tranh chấp xoay quanh loại vận đơn này.

Khi trả hàng cho người nhận hàng tại cảng đích, chủ tàu [người vận chuyển] có phải thu hồi loại vận đơn này hay không?

Về vấn đề này, theo người viết được biết, đến nay có 2 quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau qua một số vụ tranh chấp được đưa ra xét xử tại tòa án.

QUAN ĐIỂM PHẢI THU HỒI VẬN ĐƠN

Một vụ tranh chấp theo tài liệu của hãng luật khá nổi tiếng thế giới Ince & Co [Shipping law update, Issue 9, Autum 2002] như sau:

Voss Peer [nguyên đơn] kiện APL Co Pte Ltd [bị đơn], tham chiếu [2002] 3SLR, tại Toà Phúc thẩm Singapore [Singapore Court of Appeal]. Nguyên đơn bán một xe ôtô cho Seohwan - một công ty của Hàn Quốc và chở trên tàu của bị đơn. Bị đơn ký phát hành vận đơn có ghi ở phần người nhận hàng [consignee] là Seohwan nhưng không có từ to order kèm theo nên được coi là vận đơn đích danh [và cũng còn có tên gọi khác là straight consigned bill of lading với ý nhấn mạnh là giao thẳng, trực tiếp cho đúng người nhận hàng có tên trên vận đơn].

Chủ tàu đã giao chiếc ôtô đó tại cảng trả hàng mà không thu hồi vận đơn của người nhận hàng là Seohwan. Giữa người bán hàng [nguyên đơn] và người mua hàng [người nhận hàng] có vấn đề về thanh toán tiền hàng [tiền mua ôtô] nên đã xảy ra kiện tụng giữa người bán hàng và chủ tàu [bị đơn] để đòi chủ tàu bồi thường thiệt hại. Tòa phải xem xét, nhận định và đưa ra phán quyết là có cần phải thu hồi vận đơn trước khi trả hàng [ôtô] cho người nhận hàng hay không.

Bị đơn cho rằng Straight Bill of Lading là loại vận đơn không giao dịch [chuyển nhượng] được [non-negotiable], tương tự như, hay giống với [analogy] Giấy gửi hàng đường biển [Sea Waybill] nên không cần phải nộp vận đơn khi nhận hàng. Tuy vậy, Tòa Phúc thẩm đã phân biệt vận đơn đích danh với sea waybill và phán quyết rằng với vận đơn đích danh cũng như với bất kỳ loại vận đơn nào khác, chủ tàu/người vận chuyển chỉ được trả hàng khi có xuất trình [nộp] vận đơn. Tòa cũng phán quyết rằng nếu muốn vận đơn loại này chỉ có tác dụng như sea waybill thì phải thể hiện ý định đó bằng cách có thể là ghi ngay lên vận đơn hoặc có văn bản khác thỏa thuận như vậy.

QUAN ĐIỂM KHÔNG PHẢI THU HỒI VẬN ĐƠN

Trong một vụ kiện khác [từ cùng nguồn tài liệu trên] có liên quan đến vận đơn đích danh [The Rafaela S 2002 2LLR 403, Langley J], tòa lại phán quyết rằng không cần phải xuất trình [nộp] vận đơn đích danh khi nhận hàng. Luật có liên quan ở đây là Bộ luật Hàng hải Anh [UK COGSA 1971]. Tòa cho rằng vận đơn đích danh không phải là một vận đơn theo nghĩa của section 1[4] của Bộ luật này vì vận đơn phải là chứng từ về quyền sở hữu - chứng từ mà theo luật hàng hải, quyền sở hữu hàng hóa có thể được thực hiện và chuyển nhượng một cách đơn giản là ký hậu [endorse]. Trong khi đó vận đơn đích danh lại không có chức năng này nên không phải là vận đơn và vì thế, không cần phải nộp khi nhận hàng ngay cả khi trên vận đơn có dòng chữ in sẵn là phải nộp [khi nhận hàng].

QUY ĐỊNH CỦA VN

Về pháp luật VN liên quan đến việc thu hồi vận đơn khi trả hàng, cần lưu ý sự khác biệt trong Nghị định về vận tải đa phương thức và Bộ luật Hàng hải VN. Khoản 3, Điều 19 Nghị định số 87/2009/NĐ-CP

[19 .10.2009] về vận tải đa phương thứcquy định: Khi chứng từ vận tải đa phương thức đã được phát hành dưới dạng không chuyển nhượng được thì hàng hóa được giao trả cho người có tên là người nhận hàng trong chứng từ, khi người đó chứng minh được mình là người nhận hàng có tên trong chứng từ. Như vậy thì không cần phải xuất trình [nộp] vận đơn khi nhận hàng.

Trong khi đó, điều 93 Bộ luật Hàng hải VN nêu: Khi tàu biển đến cảng trả hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ trả hàng cho người nhận hàng hợp pháp nếu có vận đơn gốc, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác có giá trị để nhận hàng quy định tại Điều 89 của Bộ luật này. Sau khi hàng hóa đã được trả, các chứng từ vận chuyển còn lại không còn giá trị để nhận hàng. [Điều 89. Chuyển nhượng vận đơn 1.Vận đơn theo lệnh được chuyển nhượng bằng cách ký hậu vận đơn. Người ký hậu cuối cùng có quyền phát lệnh trả hàng trong vận đơn theo lệnh là người nhận hàng hợp pháp. 2, Vận đơn vô danh được chuyển nhượng bằng cách người vận chuyển trao vận đơn vô danh đó cho người được chuyển nhượng. Người xuất trình vận đơn vô danh là người nhận hàng hợp pháp. 3, Vận đơn đích danh không được chuyển nhượng. Người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp]. Như vậy thì lại phải thu hồi [nộp] vận đơn khi trả hàng.

LƯU Ý

Với thực tế nêu trên thì không thể coi thường loại vận đơn này về mặt có phải xuất trình [nộp] vận đơn khi nhận hàng và để tránh tranh chấp, người thuê vận chuyển/người giao hàng [người gửi hàng] nên trao đổi trước với chủ tàu [người vận chuyển] về loại vận đơn này để xử lý cho phù hợp với ý định của mình khi thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. Về phía chủ tàu [người vận chuyển] sau khi biết ý định sử dụng loại vận đơn này của người thuê vận chuyển/người giao hàng [người gửi hàng] thì nên trao đổi với người tư vấn hoặc đại lý tàu tại cảng trả hàng để chuẩn giải quyết những vấn đề có thể phát sinh kịp thời. Ví dụ: Người thuê vận chuyển, người bán hàng [người giao hàng, người gửi hàng] đề nghị với đại lý của chủ tàu [người vận chuyển] được cấp vận đơn đích danh và yêu cầu chứng từ này phải được người nhận hàng nộp cho đại lý tàu trước khi nhận hàng thế nhưng theo luật địa phương tại cảng trả hàng thì không cần phải nộp vận đơn loại này khi nhận hàng. Do đó, chủ tàu/người vận chuyển cần báo quy định nêu trên [không cần phải nộp vận đơn] cho người thuê vận chuyển/người giao hàng [người gửi hàng], người bán hàng biết để họ quyết định dùng loại vận đơn phù hợp [nếu cần], chẳng hạn như vận đơn theo lệnh [to order B/L] để khống chế hàng hóa; hoặc để họ [người thuê vận chuyển/người giao hàng, người gửi hàng] thỏa thuận với người mua hàng [người nhận hàng] rằng phải nộp vận đơn khi nhận hàng để thống nhất với chủ tàu/người vận chuyển khi trả hàng tại cảng đích.

Video liên quan

Chủ Đề