Cách nuôi dúi sinh sản

Nhẹ công chăm sóc

Mỗi khi rảnh rỗi, anh Phạm Văn Bào lại “lang thang” trên các website, mạng xã hội, tìm kiếm mô hình làm ăn hiệu quả để áp dụng cho bản thân. Sau thời gian tìm hiểu, thấy kỹ thuật nuôi dúi không quá khó, phù hợp với điều kiện chăn nuôi, anh Bào mạnh dạn xây dựng chuồng trại, mua con giống về nuôi.

Là người đầu tiên nuôi loại động vật này ở địa phương, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, anh Bào phải tự tìm tòi, học hỏi kiến thức, kỹ thuật nuôi trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ kiên trì và tích cực học hỏi, anh giúp đàn dúi sinh trưởng khỏe mạnh, phát triển nhanh, số lượng năm sau nhiều hơn năm trước.

Dúi là loài động vật hoang dã, muốn phát triển trong môi trường nuôi nhốt cần nắm chắc tập tính, thói quen mới có thể chăn nuôi thuận lợi. Anh Bào cho biết, quy trình nuôi loài động vật hoang dã này không đơn giản, nhưng cũng không quá khó. Chuồng nuôi phải thoáng mát, hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào, được bố trí nơi ít tiếng động. Trong chuồng, anh dùng gạch men ghép lại thành ô nhỏ, hình vuông, cạnh khoảng 60cm xếp sát nhau. Việc sử dụng gạch men giúp chuồng được chắc chắn, tránh bò ra ngoài.

Nuôi dúi đã giúp gia đình anh Bào tăng thu nhập

Thức ăn cho dúi cũng đơn giản, dễ tìm kiếm ở địa phương, như: Tre, mía, bắp, khoai lang… chi phí hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, cần đảm bảo nguồn thức ăn sạch, khô ráo, không ẩm mốc, hôi thối… để phòng ngừa dúi mắc bệnh về đường ruột. Dù có nhiều ưu điểm trong việc chăm sóc, nhưng theo anh Bào, loài động vật này không chịu được môi trường nóng. Khi nhiệt độ tăng cao, cần làm mát chuồng bằng phun sương hoặc sử dụng quạt máy.

Dúi nuôi khoảng 8 tháng sẽ bắt đầu sinh sản. Loài gặm nhấm này sinh sản mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con. Sau khi sinh khoảng 1,5 tháng, có thể tách ăn riêng, 3 tháng sau có thể bán con giống, trọng lượng đạt từ 300 - 400 gr. “Trong giai đoạn dúi nuôi con, tránh cho người lạ tiếp xúc gần khu vực chuồng nuôi. Nếu ngửi thấy mùi lạ, dúi mẹ có thể cắn chết con, ảnh hưởng đến số lượng đàn vật nuôi” - anh Bào nhấn mạnh.

Thu nhập ổn định

Sau 3 năm triển khai, loại vật nuôi này mang lại nguồn thu nhập khá cao, ổn định hơn so với nhiều loại khác. Hiện nay, anh Bào duy trì số lượng dúi trong chuồng từ 30-50 con. Mỗi tháng, anh bán khoảng 5 cặp giống, giá 1,5 triệu đồng/cặp, mang về thu nhập hơn 7 triệu đồng.

“Nhu cầu con giống hiện nay trên thị trường khá cao, số lượng không đủ cung ứng. Ngoài bán con giống, những con dúi không đạt tiêu chuẩn sẽ được bán cho người dân địa phương làm thương phẩm, giá khoảng 500.000 đồng/kg” - anh Bào chia sẻ.

Thành công bước đầu từ mô hình nuôi dúi của anh Bào không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Bào còn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống cho hộ có nhu cầu. Thời gian tới, anh dự định mở rộng diện tích, xây dựng chuồng nuôi bài bản, khoa học để phát triển mô hình nuôi động vật giàu tiềm năng này. 

Bí thư Đoàn thị trấn Ba Chúc Trần Thị Mỹ Hân đánh giá, mô hình nuôi dúi của anh Bào mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đã học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ con giống, được anh Bào nhiệt tình hướng dẫn. Thời gian tới, Đoàn thanh niên thị trấn Ba Chúc sẽ nhân rộng mô hình này, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Dúi có 4 loài khác nhau, như: Dúi nâu, dúi mốc nhỏ, dúi mốc lớn, dúi má vàng. Đây loại động vật thuộc phân họ gặm nhấm và thuộc lớp thú; ngoại hình khá giống chuột. Thịt dúi là một trong những món ăn đặc sản, chứa nhiều dinh dưỡng, lạ miệng, thu hút thực khách.

Đức Toàn

Nguồn: Báo An Giang

Kỹ thuật nuôi Dúi sinh sản

Giới thiệu với bà con các biện pháp kỹ thuật nuôi Dúi sinh sản: kỹ thuật phân ô thả dúi vào các ô chuồng, cách phân loại dúi theo bộ phận sinh dục, thời kỳ động dục, kỹ thuật ghép dúi đực với dúi cái, kỹ thuật cho dúi giao phối, …

1. Kỹ thuật phân ô thả dúi vào các ô chuồng

– Khi xây chuồng làm nhiều ô, các ô có kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau để tiện cho việc thả dúi

– Nên làm nhiều ô phối giống lớn, thả dúi đực ở ô lớn đó.

– Những dúi cái thì nuôi trong tổ đẻ, khi động dục thì đưa vào ô dúi đực phối giống.

– Phối giống thành công 3 ngày sau đưa dúi cái lên tổ đẻ

2. Cách phân loại dúi theo bộ phận sinh dục

– Dúi đực bộ phận sinh dục có 2 hòn dái như dái chó, không có vú

– Dúi cái có hai hàng vú ở hai bên sườn như hai hàng vú lợn.

– Để phân biệt dúi cái hay đực bằng cách có hai hàng vú là dúi cái, không có vú là dúi đực.

– Chọn dúi đực khỏe mạnh, tương đương dúi cái hoặc to hơn càng tốt, 1 dúi đực có thể phối giống 4 – 5 dúi cái

3. Thời kỳ động dục

– Từ lúc đẻ ra đến khi dúi cái động dục lần đầu là 6 tháng, tới khi dúi cái đẻ được là 8 tháng tuổi. Nếu nuôi sinh sản trọng lượng khoảng 0,5 – 06 kg dúi đã đẻ được

– Dúi cái động dục có biểu hiện ăn ít, sục sạo tìm đực, bộ phận sinh dục có màu hồng

– Nếu bắt dúi cái bỏ sang ô dúi đực, dúi cái phát ra tiếng gọi đực đặc trưng.

– Dúi cái động dục thường chủ động tiến lên phía trước mặt dúi đực nùi đít vào trước mặt dúi đực để được giao phối, đây là đặc điểm dễ nhận biết nhất đối với người mới chăn nuôi dúi lần đầu.

4. Kỹ thuật ghép dúi đực với dúi cái

Cách ghép đôi: Thả dúi cái vào ô dúi đực. Khi thả ghép đôi thả dúi cái từ từ ở góc xa với dúi đực để tránh cắn nhau. Đồng thời quan sát dúi không cắn nhau thì tốt, nếu cắn nhau thì thay con khác. Cũng có trường hợp dúi cái động dục khi ghép đôi vẫn đẩy nhau ra kịch liệt, như kiểu không thể ở với nhau được, nhưng chỉ một lúc là chúng lại thân thiện và giao phối luôn.

5. Kỹ thuật cho dúi giao phối

Việc động dục và giao phối là hoàn toàn tự nhiên.

– Giao phối: Dúi đực và dúi cái giao phối liên tục cường độ từ 1,5 – 2 phút lại một lần giao phối. Khi giao phối dúi cái thường cong đuôi lên. Khi giao phối xong cả 2 con đều cúi xuống liếm bộ phận sinh dục thì pha giao phối đó có kết quả, còn nếu chỉ có con đực cúi xuống niếm bộ phận sinh dục thì pha giao phối đó không có kết quả.

– Đến ngày thứ 2 hoặc thứ 3 khi đã giao phối thành công thì tách dúi cái lên ô tổ đẻ, để dúi đực nghỉ ngơi 7 – 10 ngày tiếp tục cho giao phối dúi cái khác.

6. Trường hợp không biết dúi cái động dục

Trường hợp không biết dúi cái động dục ngày vào nào thì có thể bắt dúi cái lần lượt luân chuyển bỏ vào ô dúi đực con nào động dục thì nó tự cặp luôn với dúi đực, con nào không động dục, dúi đực đòi giao phối là dúi cái đẩy ra. Thường xuyên thay đổi dúi cái với dúi đực để có sự mới lạ.

7. Những biểu hiện sau khi dúi đã được giao phối

– Những biểu hiện sau khi dúi cái đã được giao phối thành côn: Sau 2 – 3 ngày sau khi phối giống thành công nếu dúi đực còn đòi giao phối là lập tức dúi cái đẩy dúi đực ra và quay lại cắn dúi đực.

– Thời gian dúi chửa đẻ: Từ ngày phối giống thành công đến ngày đẻ là 45 ngày (mang thai 45 ngày).

8. Dúi con

– Dúi con mới đẻ ra có màu đỏ, không có lông, Không mở mắt, đủ 14 ngày thì dúi mở mắt và mọc lông, được 20 ngày là dúi con ăn được vật cứng như mía và tre, đủ 45 ngày thì có thể tách con khỏi mẹ (nếu không tách mẹ cứ để mẹ nuôi con thì dúi mẹ nuôi con 3 đến 4 tháng).

– Khi đẻ ra dúi con thường kêu chí chí, khi bú mẹ thường nằm ngửa lên bú mẹ, 4 chân chới với lên trên, kêu chi chí.

– Trường hợp dúi mẹ đẻ trong tổ đẻ không có rác hoặc rơm làm tổ thì ta bổ xung rác mềm (vò ra cho mềm) bỏ vào trong tổ dúi mẹ dùng rác đó bệ tổ nuôi con.

65844-ntm.001964_ky-thuat-nuoi-dui-sinh-san.pdf