Cách làm giảm khó chịu khi bó bột

Bó bột là phương pháp giúp bất động xương gãy và giữ cho xương ở tư thế giải phẫu, thúc đẩy quá trình liền xương [nếu gãy xương]; bảo vệ và giúp phần mềm chóng hồi phục [nếu tổn thương phần mềm]. Ngoài ra bó bột còn giúp bệnh nhân giảm đau, giảm sưng nề và giảm co cơ sau chấn thương. Trong một số trường hợp, bó bột nhằm bất động tạm thời trong thời gian chờ phẫu thuật.

Lưu ý sau bó bột

Trong thời gian 24-72 giờ đầu do hiện tượng sưng nề tăng lên làm cho bột có xu hướng chặt lại, người bệnh cảm giác chật chội, căng tức phần chi bó bột. Nếu không được nới bột kịp thời có thể dẫn đến tình trạng chèn ép bột.

Do vậy, giảm sưng nề trong 24-72 giờ đầu rất quan trọng. Các biện pháp giúp giảm sưng nề bao gồm:

Kê cao chi trong 24-72 giờ đầu để máu trở về tim được dễ dàng. Chi bó bột kê cao hơn mức tim.

Tập vận động lên cơ, gồng cơ trong bột, tập vận động đầu chi phần không bó bột.

Chườm đá: Cho đá vào túi nilon hoặc túi chườm lạnh đặt lên trên bột tại vị trí tổn thương.

Lưu ý các dấu hiệu của chèn ép bột

Khi tình trạng sưng nề tăng làm tăng áp lực trong bột, sẽ gây nên tình trạng chèn ép bột. Nếu người bệnh thấy các biểu hiện sau đây thì đến bệnh viện khám ngay: đau tăng và cảm giác bột bó chặt lấy chi; tê bì hoặc căng tức ở bàn ngón tay hoặc bàn ngón chân [đầu chi]; đau rát bỏng hoặc như kim châm; đầu chi sưng nhiều; mất vận động chủ động đầu chi.

Chăm sóc bột bó

Trong những ngày đầu cần chú ý:

Giữ cho bột khô ráo. Nếu để bột ẩm hoặc thấm nước, nước có thể thấm vào lớp vải hoặc giấy lót trên da, gây kích ứng da.

Đi lại trên bột: Trong trường hợp được phép đi lại trên bột, không đi ngay sau khi bó bột mà phải chờ ít nhất 1 giờ đối với bột thủy tinh và 2-3 ngày đối với bột thạch cao. Nếu đi lại sớm [khi bột chưa cứng chắc] sẽ làm hỏng bột.

Giữ cho bột sạch sẽ. Lau sạch da đầu chi phần không bột.

Ngứa: Không được dùng các vật dụng như que để luồn dưới bột gãi ngứa, nếu làm vậy dễ gây tổn thương da, dẫn đến viêm nhiễm da.

Bệnh nhân không được tự ý cắt ngắn bột hoặc cắt xén mép bột khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Để ý màu sắc da. Quan sát màu sắc da quanh mép bột, nếu thấy da tấy đỏ hoặc trầy xước thì tái khám.

Để ý tình trạng bột. Nếu thấy bột gãy, vỡ hoặc lỏng cần tái khám.

Lời khuyên của thầy thuốcXương gãy cần nhiều tuần, nhiều tháng để liền xương. Triệu chứng đau chỉ xuất hiện thời gian đầu, trước khi xương liền một thời gian rất dài. Do vậy hết đau chưa phải là xương đã liền chắc. Chỉ tháo bột khi xương đã liền vững chắc. Đối với chấn thương phần mềm đơn thuần, thời gian bó bột thường là 3 tuần. Đối với gãy xương có thể 3, 6, 8 tuần hoặc lâu hơn tùy loại xương gãy.Tháo bột cần có dụng cụ chuyên dụng, do nhân viên y tế thực hiện, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý tháo bột. Nếu tự ý tháo bột có thể gây tổn thương da, hoặc xương không liền nếu chưa đủ thời gian bó bột.

Khi bó bột, sẽ xuất hiện tình trạng teo cơ cứng khớp. Tập phục hồi chức năng sau tháo bột rất quan trọng, nhằm nhanh chóng phục hồi sức mạnh của cơ, biên độ vận động của khớp.


TS.BS. Dương Đình Toàn

Phục hồi chức năng sau gãy xương, bó bột đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân sớm khôi phục khả năng vận động để quay trở lại cuộc sống hằng ngày.

Có nhiều nguyên nhân gây chấn thương như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, va chạm khi chơi thể thao,... Và hệ lụy là gãy xương, chấn thương khớp, dây chằng hoặc các phần mềm của cơ quan vận động.

Chấn thương các cơ quan vận động rất phức tạp, bao gồm gãy xương, đứt dây chằng hoặc dập phần mềm, các vết thương,... Sau chấn thương, người bệnh có thể đối diện với tình trạng teo cơ, cứng khớp, giảm cảm giác và giảm chức năng sinh hoạt do phải trải qua thời gian dài bất động do bó bột, dụng cụ chỉnh hình. Bên cạnh đó, người già sau khi gặp chấn thương dễ kèm theo biến chứng ứ đọng phổi, huyết khối, loét da do tỳ đè,...

Vì vậy, cần phục hồi chức năng sau gãy xương, bó bột để tăng cường tuần hoàn máu, tăng chuyển hóa, giảm đau, giãn cơ và sớm hồi phục chức năng vận động cho bệnh nhân. Điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau gãy xương, bó bột cần tuân thủ các nguyên tắc gồm:

  • Tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình liền xương và các tổ chức xung quanh
  • Giảm đau, giảm sưng, chống kết dính khớp, chống rối loạn tuần hoàn và ngăn ngừa hội chứng đau vùng
  • Duy trì được tầm vận động của khớp, ngăn ngừa teo cơ
  • Phục hồi chức năng của các hoạt động tinh tế ở bàn tay, bàn chân sau khi bất động.

Nhiều bệnh nhân không được hướng dẫn tập luyện phù hợp sau phẫu thuật. Số khác sợ đau không chịu tập luyện hoặc có người chờ xương liền [sau 2 - 3 tháng] mới tập vận động. Ở thời điểm này, các khớp gần vị trí gãy xương hoặc các khớp bị gãy đã cứng lại, không tập vận động được nữa và gây cứng khớp về sau. Lúc này, bệnh nhân phải tập luyện trong thời gian dài và chịu nhiều đau đớn. Mặt khác, trường hợp tập luyện không có kết quả, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật gỡ dính lại khớp. Về sau, khả năng hoạt động của khớp đó cũng bị hạn chế.

Do đó, theo các bác sĩ, sau gãy xương, bó bột bệnh nhân nên tập vật lý trị liệu kết hợp với phục hồi chức năng trên các thiết bị tập luyện chuyên biệt. Thời điểm nên tập phục hồi chức năng tùy từng tình trạng cụ thể, trung bình là 1 - 3 tuần sau gãy xương, bó bột [tùy theo chỉ định của bác sĩ]. Ngoài thời gian tập ở bệnh viện, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập thêm tại nhà với các dụng cụ đơn giản.

Người bệnh cần tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian đầu sau phẫu thuật

Một số kỹ thuật vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau gãy xương, bó bột được thực hiện phổ biến hiện nay gồm:

  • Dùng nhiệt: Gồm chườm lạnh và chườm nóng. Chườm lạnh nên thực hiện ngay sau khi chấn thương và áp dụng kéo dài nếu vùng chấn thương bị sưng và nóng hơn so với vùng xung quanh. Chườm lạnh giúp giảm đau, giảm khó chịu cho bệnh nhân và mang lại nhiều lợi ích khi tập cử động. Chườm nóng được sử dụng trước và trong khi tập luyện vận động, giúp làm mềm tổ chức, tăng cường lưu thông máu tới vùng bị chấn thương
  • Tập vận động khớp: Các khớp bất động lâu sẽ bị cứng do các nguyên nhân như co cơ, bao khớp bị co rúm, sụn bị mỏng và bao hoạt dịch tăng sản mỡ. Do đó, cần tập cử động khớp để bơm dịch khớp ra vào, giúp khớp được nuôi dưỡng, linh hoạt hơn. Nên tập vận động khớp từ ngày 2 -3 sau mổ hoặc bó bột;
  • Tập đi: Sử dụng nạng nách để tập đi khi xương chưa liền [nếu gãy xương chi dưới]. Thời kỳ xương liền, không đau ở ổ gãy xương nên bỏ gậy, tập đi như bình thường
  • Tập tăng sức căng của cơ và tập luyện co cơ
  • Hoạt động trị liệu: Thực hiện các bài tập chức năng cổ bàn tay, tập sinh hoạt thông thường. Ngừng tập khi không còn đau, không bị hạn chế vận động. Thời gian tập kéo dài 6 tháng - 2 năm tùy mức độ thương tổn.

Bên cạnh đó, để việc trị liệu phục hồi chức năng đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả và hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...

4.1 Bệnh nhân chấn thương phần mềm, không gãy xương

Thông thường bệnh nhân được bất động sau chấn thương và có thể phải bó bột. Chương trình phục hồi chức năng như sau:

2 tuần đầu

  • Nhiệt trị liệu: Chườm lạnh ngắt quãng, ngày 3 - 5 lần, mỗi lần 10 - 20 phút để giảm đau, giảm phù nề và tăng cường dinh dưỡng cho cơ
  • Tập luyện cơ, tập tĩnh có đẳng trường
  • Tập luyện các khớp và các cơ liên quan, bổ trợ.

2 - 4 tuần tiếp theo

  • Nhiệt trị liệu: Chườm nóng để tăng cường dinh dưỡng, làm mềm các tổ chức cơ quan xung quanh và giúp việc tập luyện đạt hiệu quả cao hơn
  • Tập sức mạnh cơ cho những nhóm cơ ít chịu tổn thương, tập phục hồi trước;
  • Tập xoa bóp, nắn để đẩy mạnh lưu thông máu
  • Tập duy trì sức cơ và tạo thế cho các cơ vận động ở nhóm cơ tổn thương nặng.

4 - 8 tuần tiếp theo

  • Nếu việc luyện tập có tiến triển tốt, có thể tăng cường độ và biên độ luyện tập hơn. Khoảng thời gian này cơ còn yếu nên bệnh nhân cần tập luyện nhiều hơn để vận động linh hoạt
  • Có thể tập thêm các lực đối kháng nhau như các đoạn dây thun co giãn để cải thiện sức mạnh cơ bắp
  • Tập các hoạt động sinh hoạt hằng ngày để sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.

Ở tuần thứ 4- 8, người tập có thể sử dụng đoạn dây thun co giãn với các bài tập lực đối kháng

4.2 Bệnh nhân gãy xương được điều trị bảo tồn [bó bột]

2 - 8 tuần đầuNgười bệnh được bó bột và thực hiện phục hồi chức năng như sau:

  • Nhiệt trị liệu: Chườm lạnh ngắt quãng, ngày 3 - 5 lần, mỗi lần 10 - 20 phút để giảm đau, giảm phù nề và tăng cường dinh dưỡng cho cơ;
  • Tập luyện cơ, tập tĩnh có đẳng trường;
  • Tập các khớp và các cơ liên quan bổ trợ.

8 - 12 tuần tiếp theo:Lúc này, thường bệnh nhân được tháo bỏ bột và thực hiện phục hồi chức năng như sau:

  • Nhiệt trị liệu: Chườm nóng để tăng cường dinh dưỡng, làm mềm các tổ chức cơ quan xung quanh và giúp việc tập luyện đạt hiệu quả cao hơn
  • Tập sức mạnh cơ cho những nhóm cơ ít chịu tổn thương, tập phục hồi trước
  • Tập xoa bóp, nắn để đẩy mạnh lưu thông máu
  • Tập duy trì sức cơ và tạo thế cho các cơ vận động ở nhóm cơ tổn thương nặng.
  • Nếu việc luyện tập tiến triển tốt, có thể tăng cường độ và biên độ luyện tập hơn. Khoảng thời gian này cơ còn yếu nên bệnh nhân cần tập luyện nhiều hơn để vận động linh hoạt
  • Có thể tập thêm các lực đối kháng nhau như các đoạn dây thun co giãn để cải thiện sức mạnh cơ bắp
  • Tập vận động, chịu lực tỳ đè tăng dần với những xương bị tổn thương.

Sau 12 tuần

  • Duy trì việc tập luyện cải thiện sức mạnh của cơ và khả năng chịu lực của xương
  • Luyện tập các hoạt động trị liệu.

4.3 Với bệnh nhân gãy xương điều trị phẫu thuật

Thông thường, bệnh nhân được bất động sau phẫu thuật và nhiều trường hợp phải bó bột do kết xương không vững. Nếu người bệnh bị bó bột tăng cường sau phẫu thuật thì chỉ định tập phục hồi chức năng như bệnh nhân điều trị bảo tồn. Còn nếu người bệnh kết xương vững có thể tập luyện theo hướng dẫn sau:

1 tuần đầu tiên

  • Nhiệt trị liệu: Chườm lạnh ngắt quãng, ngày 3 - 5 lần, mỗi lần 10 - 20 phút để giảm đau, giảm phù nề và tăng cường dinh dưỡng cho cơ
  • Tập luyện cơ, tập tĩnh có đẳng trường
  • Tập luyện thêm các khớp, cơ liên quan bổ trợ và những khớp có thể tập.

Người bệnh lưu ý cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ phẫu thuật.

2 - 4 tuần tiếp theo

Đây là thời điểm bệnh nhân thường được giải phóng sự bất động. Có thể tập phục hồi chức năng như sau:

  • Nhiệt trị liệu: Chườm nóng để tăng cường dinh dưỡng, làm mềm các tổ chức cơ quan xung quanh và giúp việc tập luyện đạt hiệu quả cao hơn
  • Tập sức mạnh cơ
  • Tập xoa bóp và nắn để đẩy mạnh lưu thông máu
  • Nếu việc luyện tập có tiến triển tốt thì có thể tăng cường độ và biên độ luyện tập hơn. Khoảng thời gian này cơ còn yếu nên bệnh nhân cần tập luyện nhiều hơn để vận động linh hoạt hơn;
  • Tập chịu lực tì đè với các xương gãy [theo chỉ định của bác sĩ].

Người bệnh có thể dùng nhiệt trị liệu giúp quá trình phục hồi hiệu quả hơn

4 - 8 tuần sau đó

  • Tập thêm lực đối kháng như sử dụng các đoạn dây thun co giãn để cải thiện sức mạnh cơ bắp;
  • Tập tỳ đè và đi lại;
  • Tập hoạt động sinh hoạt hằng ngày để trở về cuộc sống bình thường.

Với trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng, cần theo dõi sát. Cần điều trị các biến chứng trước khi bắt đầu tập luyện. Các bài tập phục hồi chức năng chỉ nên thực hiện khi các khớp xương đã thực sự ổn định.Bên cạnh đó, bệnh nhân không được dùng thuốc xoa bóp, rượu gừng,... để xoa vào chỗ xương gãy vì sẽ làm chậm quá trình liền xương. Đặc biệt, không nên đắp thuốc lá vào các khớp vì việc này sẽ làm cứng khớp, gây khó vận động về sau. Sau gãy xương, bó bột hoặc phẫu thuật, bệnh nhân nên được hướng dẫn tập phục hồi chức năng để tránh các biến chứng, duy trì sức cơ, cử động khớp và tăng tỷ lệ liền xương.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 [phím 0 để gọi Vinmec] hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

XEM THÊM:

Video liên quan

Chủ Đề