Cách chăm sóc hoa hồng vào mùa hè

Chăm sóc hoa hồng trong mùa nắng nóng

Vân Loan Garden
4 năm trước

Thông báo: vườn đã ngừng kinh doanh các giống hoa hồng. Để đặt mua hoa hồng, anh chị có thể tham khảo & liên hệ: Happytrees.vn . Call/Zalo: 0906701001 - 0901365679 - 0981472323

Sau tết Âm lịch 1-2 tuần mà thời tiết ở Sa Đéc đã nóng oi bức, thậm chí có những hôm chỉ khoảng 10h sáng mà nắng nóng đã rát da thịt. Ở thời điểm này, tôi phải thường xuyên thăm các chậu hồng vào buổi trưa, để xem có chậu hồng nào bị thiếu nước đột ngột hay không và bổ sung lượng nước kịp thời cho nó, tránh trường hợp cây hoa hồng thiếu nước làm khô héo cây.

Thời điểm nắng nóng như hiện tại rất dễ làm cho các chậu hoa hồng bị héo rũ vào giữa trưa!

Chăm sóc hoa hồng trong mùa nắng nóng

Đối với các nhà vườn trồng hoa hồng ở Sa Đéc, thì thời điểm tháng 3 đến tháng 5 hàng năm được coi như mùa nghịch của cây hoa hồng. Ở thời gian này, thời tiết thường gặp nắng nóng dữ dội ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của cây hoa hồng, nhất là các vườn hồng chưa dùng lưới lan để che bớt nắng thì ảnh hưởng tiêu cực của nắng nóng đến cây hoa hồng càng rõ ràng.

Ở mùa nghịch, dù đổ bao nhiêu phân bón, phun bao nhiêu thuốc phòng bệnh, bỏ bao nhiêu công sức để chăm sóc các chậu hoa hồng thì cây hoa hồng vẫn thường đâm tược chậm hơn, tược ốm, lá nhỏ, đồng thời nấm bệnh lại cũng phát triển mạnh mẽ

Không giống như thời điểm trước tết, nói cho vui là chỉ tưới nước thôi thì cây hoa hồng vẫn phát triển ầm ầm, tuy có đốm lá, sâu bọ tấn công nhưng nhìn chung cây hoa hồng chống chịu được và đâm tược khỏe, lá mướt.

1.Phòng ngừa bệnh sương mai [Downy Mildew of Rose] đầu mùa nắng

Sau tết Âm lịch, ở Sa Đéc liên tục có những ngày nắng nóng, có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến 34-35 độ C, đêm đến thì sương lại xuất hiện sớm, khoảng 19h-20h, tôi ra quan sát các chậu hoa hồng thì phần lá đã áo 1 lớp sương đêm ẩm ướt, sáng đến thì có những hôm sương mù dày đặc dù đang ở tháng 03.

Sương mai phủ kín các cây hoa hồng

Thời tiết ban ngày nóng bức, ban đêm thì ẩm ướt, kết hợp với việc mỗi ngày tôi phải tưới nước cho các cây hoa hồng đến 2 lần vì trời nóng đã tạo điều kiện thuận loại cho bệnh đốm lá phát triển.

Các cây hồng trồng chậu ở vườn thường xuyên bị đốm lá thế này khi gặp điều kiện thời tiết ban ngày nắng nóng, ban đêm nhiều sương, trong khoảng 3-4 ngày liên tiếp

Lá ướt và độ ẩm cao sẽ kích hoạt bào tử nấm bệnh phát triển qua đêm.Khi mặt trời lên, lá bắt đầu khô và bào tử được giải phóng.Sáu giờ ẩm ướt đã đủ để bào tử nấm mốc nảy mầm và nhiễm vào lá. [Nguồn: gpnmag.com/article/rose-downy-mildew-review].

Do đó, trong giai đoạn này tôi sử dụng Ridomil Gold68WGSTREPA150WP để phòng bệnh cho cây hoa hồng.

2. Tưới nước đầy đủ cho cây hoa hồng trong mùa nắng

Bên dưới là hình ảnh minh họa một số dấu hiệu cho thấy chậu hồng thiếu nước do nắng nóng.

Quan sát đất trồng trong chậu, nếu đã khô lại, phải tưới bổ sung thêm nước
Các chậu hoa hồng ra nhiều tược non dễ bị tình trạng thiếu nước vào trưa nắng.
Khi chiều mát lá hồng có thể tươi tỉnh trở lại, nhưng đôi lúc trên lá hồng xuất hiện các mảng màu vàng nhạt bất thường
Phần lá non quéo lại và cháy khô giòn sau vài ngày nắng gắt mà không bổ sung nước kịp thời

Cây hoa hồng rất dễ bị thiếu nước dẫn đến héo rũ vào những ngày nắng nóng. Vào những ngày này, tôi thường xuyên ra quan sát các cây hồng và để ý kỹ đến các trường hợp sau:

+ Đối với hoa hồng trồng chậu:

  • Chậu hoa hồng nào càng có nhiều tược non, thì chậu hồng đó càng hút nhiều nước.
  • Chậu nhỏ mà cây to [chiều cao cây hồng đã gấp 2-3 lần đường kính chậu, tán lá thì phủ kín mặt chậu] mau khô nước hơn chậu to mà trồng cây nhỏ.
  • Trên cùng 1 diện tích nhận nhiều nắng chói chang, nếu chỉ để 1 vài chậu hoa hồng thì các chậu này có xu hướng mau khô nước hơn là để lượng cây hoa hồng dày đặc kín cả mặt đất.

Lựa chọn thời gian tưới nước cho cây hồng trong ngày nắng nóng

Do tôi tưới nước cho cây hồng bằng nước sông, nên thời gian tưới nước trong ngày phụ thuộc khá nhiều vào con nước lớn ròng.

+ Nếu nước ròng, cạn nước vào khoảng 7h sáng thì tôi phải tưới nước cho cây hoa hồng từ 5h30-6h00 sáng. Tưới như vậy là khá sớm, nên đến tầm 10h30-10h45 tôi phải ra quan sát lại các cây hoa hồng [chú ý nhiều đến các chậu ở trong trường hợp bên trên] xem cây có bị héo rũ do thiếu nước hay không. Nếu có phải tưới bổ sung nước cho cây hoa hồng [lúc này nước sông đã lớn trở lại].

Việc quan sát và tưới nước thêm cho các cây hoa hồng bị thiếu nước tôi thường hay thực hiện trước 11h sáng. Tại sao? Nếu sau thời gian này, lượng nắng và nhiệt mà lá cây hoa hồng nhận được rất cao, nếu đột ngột dội nước vào, có thể làm cho lá hồng bị bỏng, giống như cây bị bỏng nước sôi!

Những anh chị đi làm giờ hành chính, cũng thường hay tưới nước cho hoa hồng vào sáng sớm, trưa đi làm về nếu có thể nhín tí thời gian quan sát xem cây hồng có bị khô héo hay không để thêm nước cho cây.

Thế nhưng đôi lúc về đến nhà và thăm cây cũng đã gần 12h trưa mà thấy cây hồng héo rũ thì phải làm thế nào?

  • Nếu là chậu nhỏ, di chuyển được, tốt nhất đem cây vào chỗ mát mẻ khoảng 15phut thì tưới thêm nước cho chậu hồng [cách này không mấy khả thi]
  • Hạn chế tối đa việc tưới lên lá cây hoa hồng lúc trời nắng nóng. Tưới ẩm nền đất xung quanh khu vực trồng hồng. Sau đó, tưới thật đẫm vào chậu, không tưới thân lá, tưới đến khi nước chảy ra từ đáy chậu không còn nóng.

Nhược điểm của việc tưới nước cho cây hoa hồng ngày 2 lần là cây dễ mắc bệnh đốm lá, như đã nêu ra bên trên.

+ Còn khi chủ động được thời gian tưới như tưới bằng nước máy chẳng hạn, trong ngày nắng nóng có thể tưới cây trễ tí tầm 10-10h30 hẵn tưới cây hoa hồng. Chú ý: mỗi nơi trồng có điều kiện tiểu khí hậu khác nhau, có nơi 11h giờ trưa thì cây hoa hồng mới có dấu hiệu héo nhẹ, thì nên tưới lúc 10h30 chẵng hạn. Còn nơi, chỉ mới 10h mà cây hoa hồng đã héo ngọn thì phải tưới sớm hơn. Đồng thời, khoảng 13-13h30 [trước khi đi làm] có thể quan sát lại các chậu hoa hồng xem còn ẩm ướt hay không.

Chú ý: vào thời điểm nắng nóng, khi tưới nước tôi tưới rất lâu, tưới đi tưới lại để đảm bảo chậu hoa hồng thấm ướt hoàn toàn. Tránh trường hợp tưới mà chỉ ướt phần đất trồng ở bề mặt hoặc dưới đáy còn phần chính giữa thì khô queo. Tưới như vậy chậu hoa hồng rất mau khô trở lại.

+ Đối với hoa hồng trồng đất:

Đối với hoa hồng trồng đất, hạn chế việc trồng cây đang có tược non vào thời điểm này. Hoặc như tôi có thể sử dụng lục bình để tủ xung quanh gốc vừa giữ ẩm, vừa làm phân bón cho cây hoa hồng sau này.

Danh mục: Chăm sóc hoa hồng
Thẻ: Chăm sóc hoa hồng mùa nắng
Để lại nhận xét

Video liên quan

Chủ Đề