Bất phụ như lai bất phụ khanh phim

Lâu lâu lại xuất hiện một bộ phim khiến mình mất ăn mất ngủ cả tuần liền để luyện xong 20 tập phim của phần 1. “Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh” là bộ phim mình chờ đợi chuyển thể ròng rã 6 năm trời kể từ khi đọc bộ ngôn tình đầu tiên – “Đức Phật và nàng” được xuất bản tại Việt Nam năm 2012.

Thật sự mình không thích gắn mác cho “Đức Phật và nàng” là ngôn tình sẽ tội cho tác phẩm và công trình nghiên cứu của tác giả, bởi vốn dĩ khởi điểm tác giả Chương Xuân Di muốn viết một quyển hồi ký hoặc tiểu sử về vị đại sư Kumarajiva – một cao tăng nổi tiếng của Trung Quốc đã có công dịch thuật và truyền bá kinh điển Đại thừa Phật giáo, nhưng nếu viết theo thể loại này thì sẽ không gây nhiều hứng thú cho độc giả, nên cô mới chọn hình thức tiểu thuyết để chuyển tải câu chuyện về đạt ma Kumarajiva.

Nói về tác giả, Chương Xuân Di tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ tiếng Anh, có bằng MBA, từng giữ cương vị giám đốc kinh doanh cho doanh nghiệp nằm trong Top 500 công ty hàng đâu Trung Qụốc. Hiện cô giữ chức vụ CEO của một doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại Ninh Ba, Trung Quốc. Ngoài bộ “Đức Phật và Nàng”, Chương Xuân Di còn có bộ “Hoa Sen Xanh” 3 tập rất hay cũng mượn hình thức tiểu thuyết để kể chuyện về Bát Tư Ba, một nhân vật lịch sử có thật của Trung Quốc.

Thời điểm mình đọc “Đức Phật và nàng” cũng vào độ này mùa Tết 6 năm trước, lúc đó vẫn còn là sinh viên Đại học, nhà mình vẫn chưa xây mới, về nhà ăn Tết nên đi nhà sách, thấy quyển này bìa thú vị nên mua về đọc và đọc ngấu nghiến mấy ngày liền. Đọc xong rồi tự hỏi, tiểu thuyết hay đến nhường này khi nào mới chuyển thể thành phim?

Tới 6 năm sau, câu hỏi đó mới trở thành hiện thực, khi web drama “Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh” được công chiếu. Và mình cũng chỉ vô tình biết khi lang thang trên mạng, nên gặp và xem bộ phim giống như một cái duyên được tái ngộ lại cố nhân.

Gọi là web drama bởi đây là dòng phim chỉ chiếu trên mạng, không chiếu trên truyền hình, vì đề tài xuyên không là một trong những đề tài bị Tổng cục Điện ảnh Trung Hoa cấm phát sóng trên các nhà đài kể từ sau độ hot của bộ phim “Bộ bộ kinh tâm” khiến hàng loạt phim truyền hình Trung Quốc ăn theo đề tài xuyên không này. Lý giải về việc cấm chiếu này, cán bộ phụ trách trả lời rằng đây là động thái của chính phủ nhằm khuyến khích người dân tôn trọng các giá trị của dân tộc và hạn chế những thứ mang tính xuyên tạc lịch sử, bởi các nhà kiểm duyệt phim đã lên án rằng thể loại xuyên thời gian vô cùng có hại vì chúng thường “xuyên tạc lịch sử” để vẽ ra những kết thúc hoặc bi thương hoặc có hậu cho các nhân vật mà không tôn trọng các sự kiện thực tế đã diễn ra trong sử sách.

Không chỉ đề tài xuyên không mà một số đề tài khác như tái sinh, mê tín thời phong kiến, đồng tính, thần bí học… cũng bị cấm tiệt nốt. Quyết định này của chính phủ Trung Quốc vừa có lợi mà cũng vừa bất lợi đối với các nhà sản xuất phim truyền hình. Lợi ở chỗ phim của họ không còn bị cắt xén, thêm mắm dặm muối để vừa thời lượng phát sóng. Rất nhiều tác phẩm truyền hình hay khi bị các nhà đài mua lại đã bị cắt xén và tự ý hậu kỳ lại theo ý nhà đài khiến tác phẩm kém hay đi. Còn bất lợi ở chỗ phim không công chiếu trên truyền hình, chỉ chiếu trên mạng thì chỉ tiếp cận được một nhóm khán giả trẻ chứ không nổi tiếng trong đại chúng. Tuy nhiên, vô tình đây cũng là cơ hội cho dòng phim web drama phát triển vượt trội trong những năm gần đây với nhiều tác phẩm nổi đình nổi đám.

Trở lại bộ phim “Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh”, đọc nhiều bình luận phim của các bạn đã đọc truyện bảo rằng nội dung phim không đúng nguyên tác trong truyện, đã cải sửa rất nhiều, riêng mình thì qua 6 năm cũng quên mất nội dung chi tiết của truyện nên chỉ đánh giá phim trên góc độ của phim chứ không so sánh với truyện làm gì, vì mỗi tác phẩm dù là văn học hay điện ảnh cũng có đời sống riêng của nó.

Dàn diễn viên trong phim đa số đều là những gương mặt mới toanh chưa có nhiều tên tuổi trong làng điện ảnh nhưng vai nào ra vai nấy, diễn viên tuy trẻ nhưng rất có thực lực. Nhân vật chính pháp sư Kumarajiva do diễn viên Ngưu Tử Phiên thủ vai, bạn này sinh năm 1994 còn khá trẻ, xuất thân từ học viện Hý kịch Thượng Hải, profile cũng chưa có nhiều phim nổi bật lắm nhưng phải nói thần thái ngút trời, khí chất ngời ngợi của một bậc cao tăng. Chưa bao giờ trong lịch sử điện ảnh, nói không ngoa có thể tìm ra một vị cao tăng đẹp hơn vai diễn Kumarajiva của Ngưu Tử Phiên.

Ngay cả cậu nhóc đóng vai Kumarajiva lúc nhỏ do diễn viên Biên Trình đóng cũng rất khả ái và thần thái đĩnh đạc, không thể tưởng tượng là đoàn làm phim tìm được 2 diễn viên lúc nhỏ và lúc lớn hợp vai như thế. Cứ như thể là bạn diễn viên nhỏ trưởng thành thật thành bạn diễn viên lớn, chứ không như nhiều bộ phim nhỏ một đằng lớn một nẻo.

Điểm trừ của phim [không biết có nên trừ không?] lại rơi vào nữ chính Ngải Tình. Nữ chính Ngải Tình trong truyện mô tả như tiên nữ giáng trần, vai này mình từng tưởng tượng phải cỡ như Lưu Diệc Phi, Lưu Thi Thi hay ít ra Dương Mịch mới thể hiện đúng được thần thái của Ngải Tình. Buồn ơi là buồn khi xem tập 1 và thấy Ngải Tình nhan sắc chỉ hạng trung chứ không như mình tưởng tượng, vào vai cô sinh viên 23 tuổi mà nhìn cứ như 32 tuổi. Thú thật là ban đầu không hiểu được sao đoàn làm phim có thể chọn một diễn viên với nhan sắc chỉ phù hợp đóng vai a hoàn vào vai Ngải Tình? Chưa kể, chị Dung Trác này còn lớn tuổi hơn nam chính khá nhiều, thiệt tình nhìn chị là mình liên tưởng tới MC Trần Di của show Phi Thường Hoàn Mỹ, còn tưởng cả hai là một mới ghê.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, nhà sản xuất, đạo diễn – những con người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề ắt hẳn có lý do khi chọn Dung Trác vào vai Ngải Tình. Chị này đã có 10 năm kinh nghiệm diễn xuất nhưng vẫn chưa có tên tuổi lắm trong làng điện ảnh, nên nhập vai rất ngọt và lột tả được nhiều phân đoạn nội tâm sâu sắc của nhân vật Ngải Tình, giọng cũng rất hay và là người hát bản OST chính của phim rất cảm động.

Trong phim mình rất ấn tượng với một phân cảnh – khoảnh khắc Kỳ Bà [mẹ của Kumarajiva] trước ngày lên đường đi Thiên Trúc, đến thăm chồng cũ của mình là vị quốc sư nhưng chỉ lặng lẽ đứng nhìn đằng xa sau song cửa rồi dứt khoát ra đi khiến mình liên tưởng 2 câu thơ bi tráng của Nguyễn Đình Thi:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Nếu đã biết sẽ không gặp lại, thì đâu cần phải nói lời từ biệt để thêm lưu luyến. Cầm lên được thì đặt xuống được.

Hiếm có ai như Kỳ Bà, có thể từ bỏ ngôi vị công chúa hoàng thất vinh hoa phú quý, từ bỏ nhan sắc chim sa cá lặn bao vương tôn láng giềng nghe danh đã ngưỡng mộ để xuống tóc quy y, trả nợ cho nghiệp chướng mình đã gây ra.

“Thế gian nan đắc song toàn pháp
Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh.”

Nữ diễn viên đóng vai Kỳ Bà trong phim thần thái hết sức xuất thần, khiến mình liên tưởng đến vai diễn của Tôn Lệ trong “Chân Hoàn truyện”. Khi nhập vai Kỳ Bà, chị này cũng đã hi sinh xuống tóc của mình để vào vai. Xem video hậu trường chị xuống tóc mà nhân viên trong đoàn làm phim ai nấy cũng xót xa và xúc động. Tuy chỉ là web drama nhưng đoàn làm phim đã đầu tư rất nhiều tâm sức trong việc dựng bối cảnh và phục trang, xem phim mà không khỏi choáng ngợp trước những tòa thành cổ, thành quách, thiền viện, hang động được làm rất hoành tráng và trang phục đẹp tới từng đường kim mũi chỉ.

Nội dung phim thì mình miễn bàn vì quá xuất sắc mới khiến mình mất ăn mất ngủ cả tuần liền để xem. Phần 2 của phim chắc mấy năm nữa mới quay xong, nhưng dù sao vẫn còn cái để chờ đợi ngóng trông. Xem hết phim là cứ buồn day dứt mãi không thôi vì chuyện tình trái ngang của Ngải Tình và Kumarajiva, cũng như sự da diết của bản OST phim.

Nếu bạn thích bài viết và những gì Chơn Linh chia sẻ, bạn có thể ủng hộ mình tại đây:

📖Ủng hộ tác giả
[Subscribe blog để nhận bài mới hằng tuần qua email]

Video liên quan

Chủ Đề